Trong khi các nhà quảng cáo ngoại lo ngại những chi tiết “thừa” trong Luật Quảng cáo mới sẽ làm tăng chi phí tiếp thị, thì các nhà quảng cáo nội lại đang ngồi trên đống lửa vì sợ bị phạt.
Theo Hội Quảng cáo TP.HCM, nửa năm qua, hoạt động quảng cáo tại TP.HCM bị “bầm dập”, bởi hơn 50% ngân sách quảng cáo bị cắt giảm đã gây nhiều khó khăn cho doanh nghiệp (DN) trong lĩnh vực này.
Hơn 80% doanh thu quảng cáo là do các nhà quảng cáo ngoại đem lại, thế nên, trước khi Luật Quảng cáo mới bắt đầu có hiệu lực, các “đại gia” trong ngành quảng cáo như: Nestlé, Unilever, Pepsico International, P&G… đã bắt đầu lên tiếng.
Bà Nguyễn Ánh Thư, đại diện Công ty P&G VN, cho biết: “Trong quy định của dự thảo, phần nội dung quảng cáo sản phẩm có nhiều điều không cần thiết, như giới thiệu chức năng, cách thức sử dụng…, vì các thông tin này đã được hiển thị rõ trên bao bì sản phẩm, trong khi đó, thời lượng quảng cáo trên tivi lại được tính bằng giây, nên sẽ rất tốn kém cho DN”.
Theo bà Thư, trong Điều 14, yêu cầu “việc quảng cáo trên các trang thông tin điện tử của tổ chức, cá nhân nước ngoài kinh doanh dịch vụ quảng cáo xuyên biên giới bắt buộc phải thông qua người kinh doanh dịch vụ quảng cáo đã được đăng ký hoạt động hợp pháp ở Việt Nam”, đã vô tình đã tạo khó khăn cho các công ty đa quốc gia.
Vì một số công ty mẹ sẽ tiến hành chiến dịch quảng cáo xuyên biên giới và được ký trực tiếp với nhà cung cấp dịch vụ quảng cáo ở nước ngoài, do đó, nếu phải thông qua đơn vị quảng cáo tại Việt Nam tức đã làm quy trình thêm rườm rà.
Trong khi đó, ông Lê Văn Hùng, đại diện Công ty CP Acecook, cho rằng, hiện nay, các bộ – ngành đều tham gia duyệt nội dung quảng cáo, nhưng Điều 28 của Luật còn chung chung, khiến DN không biết nên làm thế nào, do đó, cần quy định rõ những nội dung quảng cáo nào cần và không cần thông qua các bộ – ngành để xét duyệt.
Đồng tình với ý kiến trên, ông Lê Hoàng Vinh, đại diện Nestlé, cho biết, thời gian qua, các DN gặp nhiều khó khăn trong khi nộp hồ sơ xin quảng cáo. Do đó, nên tách bạch giữa quảng cáo sản phẩm và quảng cáo nhãn hiệu.
Theo lý giải của ông Vinh, “một khi sản phẩm đã quen thuộc với người tiêu dùng thì quảng cáo chỉ đơn thuần là phục vụ cho nhãn hiệu, nhưng một nhãn hiệu thì có nhiều sản phẩm, điển hình như nhãn hiệu Maggi lại có nhiều sản phẩm như: nước tương, dầu hào, bột nêm…”.
Bên cạnh đó, Luật cũng chưa định nghĩa rõ thế nào là thuần phong mỹ tục, thẩm mỹ, do đó trong các nghị định và thông tư cũng cần được nêu rõ để DN dễ thực hiện.
Đánh giá về Luật Quảng cáo mới vừa được Quốc hội thông qua vào tháng 6/2012, ông Trần Hùng, Phó chủ tịch VAA, cho biết, Luật đã có nhiều điểm thoáng hơn cho hoạt động quảng cáo ngoài trời.
Thừa nhận những thuận lợi từ luật mới, nhưng hiện nay, nhiều DN hoạt động trong lĩnh vực quảng cáo ngoài trời vẫn như “ngồi trên đống lửa”. Bởi Luật quy định một điều, trong khi địa phương lại quy định một kiểu. Nhiều DN đang hoạt động trong lĩnh vực này cho rằng, Quyết định 39 của UBND TP.HCM về quy định kích thước khung quảng cáo trên xa lộ đang làm họ “đau đầu”.
Vì theo quyết định này, kích thước khung quảng cáo trên xa lộ hiện nay tối đa là 6x16m, thay vì 9x18m và 10x20m như trước kia. Tuy nhiên, chi phí cho một công trình không hề nhỏ, tối thiểu cũng từ vài trăm triệu đến cả tỷ đồng.
Do vậy, DN đã “đối phó” bằng hình thức căng bạt 6x16m trên khung 9x19m để tiết kiệm chi phí. Song, đáng lo ngại hơn hết là quy định không được quảng cáo ở vòng xoay.
Theo đó, trong tháng 8/2012 này, thanh tra thành phố sẽ tổng thanh tra 6 vòng xoay cửa ngõ vào thành phố, tạo mối lo lớn cho các DN, bởi không biết biển quảng cáo khi nào sẽ bị … xử phạt.
Một trong những vấn đề khiến các DN hoang mang là những biển quảng cáo mới sẽ được thực hiện theo quy định của Luật Quảng cáo mới ban hành hay vẫn tuân thủ các quy định hiện hành.
Trả lời cho thắc mắc này, đại diện Hiệp hội Quảng cáo TP.HCM cũng xác nhận, ngành quảng cáo đang trong giai đoạn “quá độ” giữa luật cũ và mới, tạo khó khăn cho DN trong việc tuân thủ quy định.
Song thời điểm này, DN quảng cáo cứ thực hiện theo các quy định hiện hữu và khi nào Luật có hiệu lực sẽ sửa lại sau theo quy định mới. Một khi Luật mới ban hành thì các văn bản cũ sẽ không còn hiệu lực.
Theo yêu cầu của Luật Quảng cáo mới, trước khi có hiệu lực, phải nhanh chóng xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử tiêu chuẩn của ngành quảng cáo. Dự kiến, Bộ Quy tắc ứng xử sẽ hoàn thành trong năm 2012 và đưa vào vận dụng cùng thời điểm với Luật Quảng cáo mới.
Theo: doanhnhansaigon.vn