Với quy mô khoảng 1,5 tỷ USD, thị trường quảng cáo Việt Nam vẫn được xem là mảnh đất màu mỡ không chỉ với doanh nghiệp trong nước mà cả các doanh nghiệp nước ngoài.
Luật Quảng cáo có hiệu lực kể từ ngày 1/1/2013. Hơn một năm đã trôi qua, nhưng nhiều doanh nghiệp làm dịch vụ quảng cáo tấm lớn ngoài trời vẫn không thấy dễ thở hơn vì phải mất quá nhiều thời gian cho các thủ tục hành chính khi gặp phải những quy định chồng chéo giữa các sở, ban, ngành ở các địa phương.
Thậm chí cùng một nội dung công việc, nhưng các doanh nghiệp này đụng phải các “lệ làng” khác nhau và cách giải quyết, làm thủ tục có khi sai với chính Luật Quảng cáo đã ban hành.
Chồng chéo
Bà Nguyễn Thị Thu Phương, Giám đốc Công ty Dịch vụ quảng cáo Kim Minh (TP.HCM) cho biết, thế mạnh của Kim Minh là mảng quảng cáo ngoài trời. Thế nhưng từ khi Luật Quảng cáo có hiệu lực, công ty của bà vẫn thường xuyên gặp khó.
Bà nêu một ví dụ: “Mặc dù những bảng quảng cáo của chúng tôi được dựng lên từ trước khi Luật Quảng cáo ra đời, nhưng Sở Văn hóa -Thể thao và Du lịch TP.HCM vẫn yêu cầu phải có giấy phép xây dựng mới được tiếp tục sử dụng những bảng quảng cáo này. Khi chúng tôi đến Sở Xây dựng xin cấp giấy phép thì được trả lời rằng, bảng đã có rồi thì không thể cấp phép nữa. Chúng tôi thật không biết làm thế nào”.
Không chỉ vướng mắc với Luật Xây dựng, Luật Quảng cáo còn chồng chéo với quy định của Luật Giao thông, Luật Đất đai… “Khi đã có giấy phép của Sở Xây dựng thì lại không ra được giấy phép quảng cáo do bên giao thông đường bộ nói chưa đúng quy chuẩn của ngành này đề ra”, bà Thu Phương tiếp tục đưa ra dẫn chứng khác.
Chính vì những bất cập trong quy định giữa các sở, ngành mà hiện nay Kim Minh có 2 biển quảng cáo trên xa lộ Hà Nội, nhưng không thể đưa vào sử dụng, gây tình trạng lãng phí, tổn thất lớn cho công ty, bởi theo bà Thu Phương, để dựng một bảng quảng cáo tốn ít nhất là 500 triệu đồng.
“Càng cải cách, sinh ra luật, các doanh nghiệp làm dịch vụ cho thuê quảng cáo càng bị rối”, bà Thu Phương bức xúc.
Một vấn đề khác liên quan đến Luật Quảng cáo khiến nhiều doanh nghiệp bức xúc, đó là tính bất cập trong việc gia hạn thời gian đăng ký quảng cáo. Ông Nguyễn Xuân Hùng, Giám đốc Công ty TNHH TM DV Quảng cáo Sài Gòn Việt cho biết: thật quá khổ cho doanh nghiệp khi đơn “Thông báo sản phẩm quảng cáo” (tức Giấy phép quảng cáo) chỉ được Sở văn hóa – Thể thao và Du lịch TP.HCM cấp phép cho hoạt động trong 6 tháng.
Thông thường doanh nghiệp làm dịch vụ quảng cáo hợp đồng với khách hàng từ 1 năm trở lên thì việc cứ 6 tháng phải xin phép gia hạn một lần khiến thêm tốn thời gian và tiền bạc. Đó là chưa kể mỗi tỉnh, mỗi địa phương lại đưa ra một mẫu đơn xin phép quảng cáo khác nhau, triển khai theo một cách khác nhau.
Bà Ninh Thị Thu Hương, Trưởng phòng Quảng cáo và Tuyên truyền, Cục Văn hóa cơ sở (Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch) cho biết, khi làm luật quảng cáo, các nhà quản lý đã xây dựng trên tinh thần thông thoáng nhất. Luật đã tháo bỏ rất nhiều thủ tục hành chính, nhưng thật tiếc là tinh thần đó đã không được các nhà quản lý tại địa phương tiếp nhận một cách chính xác. Theo bà Thu Hương, nguyên nhân của việc áp dụng và triển khai sai với quy định của luật là do “sở văn hóa các tỉnh rất “lười” đi học các lớp tập huấn do bộ tổ chức”.
Ông Trần Hùng, Phó chủ tịch thường trực, Tổng thư ký Hiệp hội Quảng cáo Việt Nam ví von: với cách làm như vậy, rõ ràng Luật Quảng cáo đã được triển khai hoàn toàn trái với tinh thần của luật định, dẫn tới tình trạng “trên thì trải thảm, dưới thì rải đinh”.
Xem thêm:
Tự cứu mình
Trước thông tin phản ánh của nhiều doanh nghiệp, bà Thu Hương, Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch cho biết: năm 2015, trước khi tiến hành sơ kết việc thực hiện Luật Quảng cáo, bộ sẽ có đoàn kiểm tra công tác việc thực hiện quản lý nhà nước tới các địa phương và sẽ xử lý nghiêm những nơi thực hiện sai luật. “Thật quá vô lý khi Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch TP.HCM yêu cầu doanh nghiệp phải xin gia hạn giấy phép quảng cáo mỗi 6 tháng một lần. Trong luật không hề quy định điều này”, bà Thu Hương cho hay.
Cũng theo bà Thu Hương, các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực quảng cáo phải biết tự tìm hiểu các văn bản pháp luật để bảo vệ mình. “Nếu doanh nghiệp thấy cấp sở nào làm không đúng thì cứ ý kiến lên bộ, tôi đảm bảo trong thời gian rất ngắn sẽ có công văn trả lời ngay”, bà Hương khẳng định.
Sau nhiều ngày phải chạy vòng vo xin giấy phép từ các sở ban ngành liên quan, ông Đoàn Kiều Dũng, Giám đốc Công ty cổ phần Quảng cáo và Tổ chức sự kiện Kỷ Nguyên (Hà Nội) đã rút ra được kinh nghiệm xương máu cho mình. Theo ông Dũng, đích thân ông đã phải đóng 2 cuốn tập (mỗi cuốn dày cả 20 cm), trong đó ngoài việc trích dẫn Luật Quảng cáo, ông còn trích dẫn các luật căn bản, liên quan đến hoạt động quảng cáo như Luật Đất đai, Luật Giao thông đường bộ, các thông tư, nghị định khác liên quan đến việc hướng dẫn thi hành Luật Quảng cáo. Bất kể khi đi làm việc tại đâu, ông Dũng đều mang theo “bảo bối” này để “đấu tranh một cách lành mạnh” với các đơn vị gây khó dễ cho doanh nghiệp.
“Nếu đấu tranh nghiêm túc, đúng luật một cách lành mạnh thì không nơi nào dám gây khó dễ. Nếu cấp sở ở đâu chậm trễ thì mình viết công văn, trích luôn luật trên công văn để làm căn cứ”, ông Dũng nói.
Cùng với việc phải tìm hiểu rõ Luật Quảng cáo, ông Đỗ Kim Dũng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Đào tạo quảng cáo, Tổng giám đốc Công ty Quảng cáo An Tiêm cho rằng, các doanh nghiệp làm quảng cáo cũng cần phải tự nâng chất lượng sản phẩm của mình. “Không nơi nào quảng cáo ngoài trời xấu như ở Việt Nam”.
Theo ông, quảng cáo không chỉ hướng đến thông điệp truyền thông mà còn cần cả giá trị thẩm mỹ. “Sắp tới, các doanh nghiệp ngoại sẽ tham gia vào loại hình quảng cáo ngoài trời, nếu các doanh nghiệp trong nước không tự thay đổi mình thì sẽ mất khách hàng”. Đây là điều đáng lo và cấp bách hơn bao giờ hết.
Theo: doanhnhansaigon.vn